Linh tinh cảm xúc, Truyện hay

Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) – Máu, nước mắt, nỗi buồn cứ lênh đênh trên phận người một thời đại

Nỗi buồn chiến tranh là một cái nhìn chính diện xuyên phá lớp vỏ bọc hào nhoáng mà lâu nay ta từng tưởng tưởng về chiến tranh để trở về đúng những điều sâu thẳm nhất, nhân bản nhất của mỗi con người của một thời khói lửa. Khi đọc từng chương của tác phẩm tôi luôn tự dặn mình phải đọc chậm rãi, từ từ để từng câu từng chữ như rút ra từ linh hồn tác giả đó ngấm vào trong lòng mình. Để nỗi đau thấm đẫm qua từng con chữ giản đơn kia không bị vô tình làm rơi rớt. Để tôi có thể cảm nhận đến tận cùng hơi thở độc ác của con quái thú chiến tranh.

noi-buon-chien-tranh-tam-cao-cua-van-hoc-chien-tranh-phuong-dong

Những hồi ức chông chênh, nhập nhoạng, cuồng quay và lộn xộn. Những hồi ức hiện về trong cơn đau vô hình, trong nỗi ám ảnh không tên của một người lính đã đi qua thời khói lửa. Những hồi ức có đủ máu, nước mắt, những hồn xác vẩn vơ, những mảnh đời lính chiến.

Hiện tại trần trụi chỉ còn là những nỗi buồn đau bất lực của người lính may mắn bước đi đến thời điểm hòa bình. Hòa bình là hạnh phúc, và cũng là nỗi hoảng hốt của những con người đã quen bao nhiêu năm trong khói lửa. Họ vật vờ, họ vất vả, họ gục ngã trong khoảng không gian thời gian mà bao năm chiến đấu họ từng mong mỏi.

Chiến tranh tàn khốc đã không giết chết họ trong mưa bom bão đạn nhưng nó lại là thuốc độc ngầm dần vào máu thịt người lính, để nhiều người gục chết tâm hồn trong hòa bình, an lạc, để nhiều người cứ chấp chới trong niềm đau mãi không thoát khỏi được bóng ma chiến tranh, không thoát khỏi được thứ thuộc độc tàn nhẫn đó.

Đập vào mắt người đọc ngay ở những chương đầu tiên là cái trần trụi đớn đau không tưởng của những xác người lính, ngổn ngang, lềnh bềnh, giữa rừng hoang nước độc. Phải chăng chương đầu tiên của tác phẩm là một bài văn tế hay có thể là một bài cầu hồn của tác giả dành cho những người lính của tiểu đoàn 27 độc lập nói riêng và tất cả những người chiến sỹ đã sống, đã chiến đấu và bỏ mình ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam này.

Tất cả bị napan tróc khỏi công sự, hóa cuồng, không lính không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã dụi vào biển lửa. Trên đầu trược thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái trảng hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng.

“ Thà chết không hàng… anh em, thà chết…?” – Tiểu đoàn trưởng gào to, như điên, mặt tái dại, hốt hoảng hoa súng ngắn lên, và ngay trước mắt Kiên anh ta tự đọp vào đầu, phọt óc ra khỏi tai, Kiên líu lưỡi, kêu óa óa trong họng. bọn Mỹ xông tới, tiểu liên kẹp bên sườn.

Những ngày sau đó quạ bay rợp trời, và sau khi bọn Mỹ rút thì mưa mùa ập xuống, lụt rừng. Bãi chiến trường biến thành đầm lầy, mặt nước màu nâu thẫm nổi váng đỏ lòm. Trên mặt nước lềnh bềnh xác người sấp ngửa, xác muông thú cháy thui, trương sình trôi lẫn với cành lá và những thân cây to nhỏ bị mảnh pháo băm. Khi lũ tan, mọi vật trồi ra dưới nắng lầy nhầy bọc trong lớp bùn đặc ghê tanh như thịt thối, Kiên lết  dọc suối, mồm và vết thương không ngừng nhỏ máu, thứ máu của xác chết, lạnh và nhớt. Rắn rết bò quanh người anh. Thần chết sờ soạng.

Đêm nay hồn ai gọi hồn ai. Tiếng hú cất lên từ đâu đó trong rừng thẳm, âm u truyền dọc theo những gờ núi lạnh lẽo của truông Gọi Hồn.

Trích Nỗi buồn chiến tranh – Chương 1

Vâng, “Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét”, không có những cái chết anh dũng đẹp đẽ mà quang vinh, trong hàng vạn hàng triệu những người lính đã ngã xuống đó, họ chết trong nhiều những cái “ồng ộc” và “nhoe nhoét” đó. Thân thể họ cũng hòa tan vào đất lạnh của mảnh rừng âm u nào đó, bám vào từng hơi thở, từng mạch ngầm của đất.

Những ký ức trong tác phẩm cứ lộn xộn không theo bất cứ một trục mốc thời gian cố định nào cả, như một tâm hồn chống chếnh điêu tàn sau một thời máu lửa. Tâm hồn của Kiên hay của một người lính nào đó đã từng có thời ngày ngày phải đối diện với cái chết, với vô vàn thương đau trong suốt dọc miền đất nước. Tâm hồn đó đã không còn giữ cho mình những điều dịu dàng, yên ả mà lúc nào cũng cuộn xoáy bởi nỗi đau, bởi kỷ niệm, bởi xót thương và bất lực. Nó không có một phút giây nào được yên ổn bởi những ký ức thủa chiến tranh đó đã quá mãnh liệt, cứ trào dâng, thỉnh thoảng lại xé toan tâm trí của người còn sống để nỗi đau mãi âm ỉ, suốt đời không thể chữa lành. Thời gian ư? Không gian ư? Những mạch ngầm ký ức đó không cần bất cứ một trật tự nào để hiện lên, để khơi gợi cho ta nhớ về một thủa không xa

Mỗi kỷ niệm là một mảnh hồn rạn vỡ, là lúc con người đối diện với những gì nguyên bản nhất của loài người. Là khát khao được một vòng tay con gái, dù đó là chỉ với ba cô gái nhỏ và cả một tiểu đội. Là khát khao được chết, van nài cầu xin được chết cho những đớn đau của một thân thể đã bị cày nát đến bất động, chỉ đọng lại trong Kiên đến cuối đời là tiếng cười điên loạn khi được giải thoát khỏi cõi đời. Là nỗi lòng đau đớn hối hận của người lính khi trong vô tình anh đã để kẻ bên kia chiến tuyến hay còn gọi là lính ngụy đó chết trong sợ hãi trong cái hố ngập nước. Tiếng gọi “Ngụy ơi, ngụy ơi” trong làn mưa trắng trời tàn nhẫn đó đã xóa đi những lằn ranh thù hận và chém giết trên chiến trường để còn lại hai con người tìm nhau trong lạnh lùng tàn nhẫn của cơn mưa rừng oan nghiệt.

Một tác phẩm không cho ta những hận thù của hai đầu chiến tuyến hay bên kia ác bên mình thiện mà chỉ là những nỗi buồn triền miên vô tận của những con người đã phải sinh ra trong thời buổi chiến tranh. Họ đã chọn lựa và đều đã chiến đấu cho mình cho đồng đội, cho mục đích cuối của điều lựa chọn. Vì điều đó mà họ cầm súng lên, họ bắn giết nhau, tàn sát nhau trong mưa bom bão đạn. Họ không hẳn có thù hằn với những kẻ ở bên kia chiến tuyến vì những người đó cũng đã chọn lựa, chỉ khác là lựa chọn của hai bên đã hoàn toàn đối nghịch với nhau. Tất cả đã chọn lựa ,đã sống và chết cho những điều đó. Chỉ còn lại cuối cùng là những nỗi buồn sâu thẳm của những con người có trái tim trên cõi đời này, dù đó là lính là quan là kẻ bắn hay kẻ bị bắn. Tất cả chỉ còn những nỗi buồn về một thủa chiến tranh.

Một điều mang tính hơi chủ quan của tôi là không thích lắm về câu chuyện tình của Kiên và Phương. Câu chuyện về một buổi tiễn quân cứ dài và triền miên trong trập trùng loạn lạc, biến động. Một cuộc chia tay của một người lính ra chiến trường lại trở thành cuộc chia tay đời con gái của người con gái đẹp xinh sôi nổi. Với tôi có lẽ tác giả đã đẩy bi kịch hóa lên cao trong cuộc chia tay này. Với những chân thực đầy đớn đau của những điều lúc trước thì sự đẩy lên cao mang tính biểu tượng về một câu chuyện tình khiến tôi cảm thấy hơi dài dòng, dù mục đích cuối cùng của nó cũng chỉ muốn nhấn mạnh những vết thương sâu hoắm của chiến tranh trong tim mỗi người.

Chiến tranh trả lại ta những điều gì trong đó? là những nỗi buồn cứ triền miên dai dẳng theo tháng ngày. Không phải nỗi đau, hay niềm thống khổ tất cả chỉ là nỗi buồn vương vất ăn sâu thấm đẫm vào từng thớ thịt, cạn sâu trong mọi góc khuất tâm hồn. Buồn thôi bởi lẽ biết làm sao khi ta sinh ra trong thủa chiến tranh.

t477737 chien-tranh-viet-nam-giaoduc.net (13)

Bình luận về bài viết này