Truyện hay

(Review) Tớ muốn ăn tụy của cậu – Sumino Yoru

Bất cứ một ai biết đến quyển sách này chắc có lẽ đều vô cùng ấn tượng với cái tiêu đề của truyện. Truyện này đã được làm với đủ các phiên bản gồm manga, anime, phim điện ảnh. Với thành tích đó thì không lạ gì khi Tớ muốn ăn tụy của cậu được mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam.

Tên sách: Tớ muốn ăn tụy của cậu

Tác giả: Sumino Yoru

Thể loại: Tiểu thuyết lãng mạn

Đơn vị phát hành tại Việt Nam: Nhã Nam

Cũng giống như rất nhiều người, mình đã bị cái tiêu đề thu hút. Thế nhưng trái ngược với cái tên có vẻ đậm tính kinh dị thì truyện mang đến một thứ tình cảm dịu dàng của những con người trẻ tuổi.

Mình thấy rằng người Nhật rất hay viết về cái chết. Thế nhưng trái với sự ám ảnh về nỗi đau và bi thương thường có khi nói về một người sắp chết thì trong truyện của Nhật ta đều thấy những màu sắc bình yên và cái chết không nặng nề như chúng ta tưởng tượng.

Họ đối mặt với cái chết bằng thái độ bình tĩnh. Nhiều lúc cảm giác như những nhân vật trong đó tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đều thấu hiểu được Sinh tử chính là lẽ thường của đời sống. Có sinh ắt có tử, không cưỡng cầu cũng không quá đớn đau tiếc nuối. Điều quan trọng là họ đã sống cho đến phút giây cuối cùng một cách rực rỡ nhất.

Tớ muốn ăn tụy của cậu cũng viết về nội dung như vậy. Thực ra đọc truyện này mình vẫn thấy có nhiều nét giống với truyện Nếu ngày mai không bao giờ đến của tác giả Yasushi Kitakawa. Hai truyện đều nói về chuyến hành trình đi đến điểm cuối cùng.

Nói về quyển này chắc chắn không thể không nhắc đến tiêu đề của sách: Tớ muốn ăn tụy của cậu. Một tiêu đề ấn tượng, gây sự tò mò đối với người đọc. Mình cũng là người bắt đầu với quyển này như vậy. Mà một phần chính là bởi danh tiếng đã được chuyển thể sang nhiều thể loại của quyển này.

Bản Anime
Bản live action

Nhưng phải nói thẳng là có lẽ tất cả những gì hay nhất của tác giả đã nằm trong phần tiêu đề này mất rồi: Sự ấn tượng cũng như lối suy nghĩ cực kỳ khác biệt khi thể hiện một vấn đề đã quá cũ của tác giả.

Thế nhưng với mình tất cả cũng chỉ có thế.

Nội dung câu chuyện chính là nói đến một chuyện tình. Chuyện tình yêu của một cô bé bị bệnh sắp chết với một cậu trai có lối sống lãnh đạm, cách biệt với xã hội. Đó là hành trình của cô bé tạo nên những khoảnh khắc đẹp nhất ở cuối cuộc đời và cũng là ánh sáng để đưa một người khác ra khỏi chiếc vỏ ốc cô đơn.

Câu “Tớ muốn ăn tụy của cậu” thực chất là một câu tỏ tình mà chỉ cần đọc đến chương 2 mình đã đoán ra rồi.

Phần mở đầu khiến ta vẫn mông lung. Chương 1 giới thiệu nhân vật và hai ý nghĩa của câu nói “tớ muốn ăn tụy của cậu”. Đến chương 2 thì chỉ cần ta suy đoán một chút thì cũng sẽ hiểu vì sao phần mở đầu cậu trai đã gửi tin nhắn cuối cùng cho cô bé.

“Tớ muốn ăn tụy của cậu.”

Thế nhưng ngoài phần đặc biệt đó thì nội dung phía sau mình đánh giá hơi tẻ nhạt. Tất nhiên mạch truyện chậm và đều là đặc trưng của nhiều tác giả Nhật, nhưng mình vẫn cho rằng các tình tiết được tác giả triển khai khá thường thấy, không tạo điểm nhấn. Kiểu như khá dàn trải.

Chuyện một cô bé vui tươi nhưng sắp chết lại đi giúp đỡ lôi kéo một cậu bạn ít nói không có gì mới lạ. Những cuộc hẹn hò của họ cũng không tạo độ thu hút cho mình.

Tác giả sử dụng quá nhiều cấu trúc trao đổi, tức là các nhân vật bộc lộ nội dung, tâm tình phần lớn qua lời nói. Mình cảm thấy cấu trúc đó khá khô khan đối với một quyển sách dành cho độc giả trẻ như vậy.

Tất nhiên quyển sách không chỉ nói về chuyện tình yêu, mà còn về tình bạn, về cách sống của người trẻ, về cái chết của mỗi người. Ngay cả khi được báo trước hay không chúng ta hoàn toàn không thể biết trước bản thân sẽ chết lúc nào. Chính vì vậy hãy sống thật tươi vui khi bản thân còn tồn tại.

Đoạn cuối tác giả có cố gắng gây ấn tượng bằng một plot twist. Nhưng theo mình vẫn chưa đủ và cũng không tạo dấu ấn quá đặc biệt.

Nói chung là truyện này ấn tượng mạnh nhất vẫn chỉ là ý nghĩa thực sự của câu nói: “Tớ muốn ăn tụy của cậu”

Gợi ý:

Nhìn chung mình vẫn cho rằng quyển này có nhiều nét giống Nếu không có ngày mai, nhưng lại hay và đậm tính văn học hơn. Nên có lẽ phù hợp với các bạn trẻ, tầm tuổi học cuối cấp 2 đầu cấp 3. Bởi nó mang nhiều ý nghĩa trân trọng cuộc sống. Đó là mình nói “trân trọng cuộc sống” chứ không phải khuyến khích yêu sớm đâu nhé.

Trân trọng khoảnh khắc còn tồn tại bởi có lúc ta cũng không biết lúc nào cuộc sống phải dừng lại.

Bình luận về bài viết này