Truyện hay

Series Trinh thám (3): Pháp y Tần Minh

Mình đọc Pháp y Tần Minh cũng là trong đợt đang mê dòng trinh thám Trung Quốc. Ban đầu rõ ràng mình đã lên lịch viết một bài khen ngợi dành cho quyển 1: Người giải mã tử thi. Nhưng bởi loay hoay đủ thứ nên đành chịu bỏ bê. Tuy nhiên, bởi kỳ vọng nên mình tiếp tục đọc các quyển khác của series này. Thế nên thay vì review về một quyển bài này mình sẽ nói về cả series Pháp y Tần Minh.

Pháp y Tần Minh

Quyển 1: Người giải mã tử thi

Tác giả: Tần Minh

Quốc gia: Trung Quốc

Series Pháp y Tần Minh gồm:

+ Quyển 1: Người giải mã tử thi (Mình vẫn đánh giá quyển này ổn nhất. Dù cho quyển này hoàn toàn yếu về văn học nhưng chính cái mộc mạc, bỡ ngỡ của một người chưa viết tiểu thuyết bao giờ lại mang đến cảm giác mới mẻ và thoải mái. Không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan như khát vọng mong muốn truyện hay hơn, thu hút hơn. Truyện này viết chính là để viết, chỉ khát vọng mang những gì bản thân có giới thiệu với độc giả)

+ Quyển 2: Lời tố cáo lặng thầm (Từ quyển này Tần Minh bắt đầu chau chuốt văn phong hơn. Cũng cố gắng tạo thêm một vụ án xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện, tuy nhiên vẫn chưa được thật sự thu hút. Khối lượng kiến thức pháp y vẫn chi tiết như tập 1. Nhân vật được mở rộng về tính cách. Nhưng lại bắt đầu đề cao quá nhân vật bác sỹ pháp y mà hạ thấp vai trò của cảnh sát điều tra.)

+ Quyển 3: Ngón tay thứ mười một

+ Quyển 4: Kẻ dọn rác

+ Quyển 5: Người sống sót

+ Quyển 6: Kẻ nhìn trộm

+ Quyển 7: Vách núi tử thần

Mình đã đọc sách trinh thám nhiều nhưng phần lớn các sách đều nghiêng về điều tra, nhân vật chính thường là cảnh sát, thám tử hay cả các nhà tâm lý tội phạm. Ngành bác sỹ pháp y tuy là vẫn biết có vai trò lớn nhưng không được đề cập nhiều nên mình cũng không quá để ý. Nhưng khi đọc Pháp y Tần Minh mình mới càng cảm nhận vai trò vô cùng quan trọng của các bác sỹ pháp y.

Không phải người ta vẫn luôn nói “x.ác c.h.ết không bao giờ nói dối” sao. Chính vì vậy bác sỹ pháp y là người chạm đến sự thật đầu tiên và gần nhất. Trong quá trình điều tra có thể có những nhân chứng khai gian dối, có những hoàn cảnh tạo nên nhận định sai lầm. Nhưng nạn nhân với những vết thương chí mạng sẽ không nói dối. Điều quan trọng là bác sỹ pháp y dựa vào kinh nghiệm và khả năng để đem điều đó ra ánh sáng.

Pháp y Tần Minh nói về một ngành mà nhiều lúc không được những người ngoại đạo như mình để ý khi tìm hiểu về các vụ án mạng. Thế nên càng đọc, mình càng khâm phục những người bác sỹ pháp y. Một công việc cực khổ và kinh khủng như vậy mà họ vẫn phải đối diện hằng ngày. Những gì họ phải làm, tiếp xúc nghĩ đến thôi mà mình đã thấy khó mà chịu nổi. Nếu là một vụ án mới thì có khi còn đỡ, nhưng nếu là những vụ án đã lâu, xác c.h.ết đã trong quá trình phân hủy thì thật là khủng khiếp. Thế nên nhờ đọc quyển sách này mình thực sự phải dành lời trân trọng cao nhất cũng như khâm phục dành cho những người làm công việc pháp y. Họ cần phải được biết đến nhiều hơn, thấu cảm nhiều hơn bởi những người xung quanh thay vì sợ hãi bởi công việc họ phải làm.

Ngoài sách này thì mình cũng có đọc thêm sách của nhà văn Tess Gerritsen cũng viết khá chi tiết về nghề pháp y. (Có thể thời gian tới sẽ viết một bài về sách của nhà văn này.)

Quay về quyển sách Pháp y Tần Minh. Rõ ràng bởi là một người trong nghề nên chuyên môn và chi tiết về pháp y là điểm nổi bật nhất trong quyển sách.

Quyển 3: Ngón tay thứ 11

1.Văn phong tác giả

Sau khi đọc hết các tập của Pháp y Tần Minh thì phải công nhận một điều là tác giả Tần Minh vẫn luôn cố gắng từng tập để hoàn thiện văn phong của chính mình. Từ tập ban đầu “Người giải mã tử thi” sử dụng phong cách đậm tính thuật truyện, thiếu văn học. Với góc nhìn đơn tuyến tạo cảm giác từa tựa như một tập biên bản hơn là một tác phẩm văn học. Ở các tập sau, tác giả đã có lối viết rộng rãi hơn, triển khai hình thành tính cách nhân vật, cũng như biết tạo một nhóm nhân vật nhất định để theo suốt truyện. Định hình được tính cách nhân vật là việc làm cho độc giả tưởng tượng ra hình ảnh của nhân vật trong đầu chính là những bước ban đầu để Tần Minh thuần thục hơn trong thể loại viết tiểu thuyết. Tác giả cũng bắt đầu tả và cũng gợi cảnh nhiều hơn.

Tác giả Tần Minh cũng là một bác sỹ pháp y

Dù vậy, tính chất chuyên môn sâu về pháp y vẫn luôn được Tần Minh duy trì tạo nên nét khác biệt cũng như điểm mạnh của truyện. Có thể nhiều kiến thức chuyên môn sâu cũng có lúc tạo nên sự khô khan cho truyện nhưng mình vẫn luôn nghĩ với một truyện như Pháp y Tần Mình thì nên duy trì bởi đó là sự khác biệt mà không phải người viết thể loại điều tra phá án nào có thể có được.

Góc nhìn pháp y vẫn là một góc nhìn đặc biệt không chỉ trong văn chương mà còn giúp người đọc thấu hiểu một nghề nghiệp gian khổ nhưng rất có ý nghĩa.

2.Thiết kế nhân vật

Bởi vì từ ban đầu Tần Minh đã dựa vào cuộc sống thực tế để viết ra nên mối liên hệ với các nhân vật khá tốt. Tuy nhiên giống như mình nói ở trên, là thời gian đầu, có thể nói là tập đầu tác giả vẫn chưa chú tâm xây dựng tâm lý nhân vật tốt, hoặc chính xác là chưa tập viết theo kiểu văn học mà chỉ thuần kể chuyện về pháp y. Từ tập 2 kể đi, tác giả đã bắt đầu bắt được nhịp viết văn. Nhân vật bắt đầu mở rộng về tính cách. Cũng như các mối quan hệ xung quanh.

Quyển 2: Lời tố cao lặng thầm

Từ đầu ta chỉ thấy nhân vật gắn liền với Tần Minh chỉ có một người sư phụ, nhưng sang phần 2 đã bắt đầu có thêm Lâm Đào, nhân viên pháp chứng một anh chàng độc thân cực kỳ đẹp trai, Lý Đại Bảo, trợ thủ đắc lực của Tần Minh, sau này có thêm nữ cảnh sát Trần Thi Vũ tài năng nữa. Mà theo thông tin ngoài lề thì sư phụ và Lâm đào là hai nhân vật có thực, Lý Đại Bảo được xây dựng từ hai người ngoài đời, còn Trần Thi Vũ là hoàn toàn hư cấu.

Hình ảnh các nhân vật trong phim chuyển thể

Theo tiến độ xuất hiện thêm của các nhân vật cũng có thể thấy quá trình tìm hiểu cách thức sáng tác văn học của Tần Minh.

Việc mở rộng nhân vật này cũng thể hiện khả năng viết tiểu thuyết văn học càng ngày càng được cải thiện của Tần Minh.

Nhân vật Tần Minh được miêu tả trong sách khá là đáng yêu. Những phân đoạn hài hước tự nhiên trong truyện cũng được nâng cao. Một điểm đánh giá cao ở tác giả chính là làm cho nhân vật chính Tần Mình gần gũi hơn với người đọc. Tần Minh có tài năng và chuyên môn sâu nhưng anh cũng có lúc mắc sai lầm, có lúc bối rối trước những vụ án quá khó.

3. Nội dung

Có thể nhận xét thế này nhé khi Tần Minh càng ngày càng khắc phục các điểm yếu về yếu tố văn học thì nội dung cũng sẽ được chau chuốt hơn.

Nhưng đặt ra hai vấn đề: Nếu không trau chuốt thì một tiểu thuyết khó có thể đứng vững lâu dài. Nhất là ở loạt sách thuộc dạng hệ liệt như thế này.

Nhưng Với một tác phẩm mang đậm tính thực tế thì một vụ án được trau chuốt quá mức liệu có làm loãng đi điểm đặc sắc đó.

Cái quan trọng là phải cân bằng được cả hai điều đó.

Pháp y Tần Minh tuy đã có cố gắng hoàn thiện hơn nhưng càng các quyển sau thì lại bộc lộ thêm nhiều điểm khiến mình dần cảm thấy nhàm chán.

-Theo đà của các quyển phía sau, thì Tần Minh hơi quá tay khi nâng cao quá mức vai trò của bác sỹ pháp y, mà có lúc biến những cảnh sát điều tra trở thành những nhân vật phụ quá mức mờ nhạt. Đúng kiểu “ảnh của người nào người đó khắc đẹp”.

Mình thì không thích kiểu phiến diện như vậy. Ai cũng có vai trò của riêng mình. Pháp y đúng là có một vai trò không thể thiếu trong một vụ án, nhưng để biến họ gần như trở thành lực lượng phá án duy nhất như trong quyển pháp y Tần minh từ quyển 2 trở đi lại là điều mình cảm thấy không hợp lý.

-Tần Minh nhiều lúc hơi thích đưa ra các thuyết giảng về đạo đức xã hội. Kiểu như cuối mỗi vụ án đều có ít nhất một câu nói về vấn đề đạo đức xã hội nào đó. Kiểu kết bài ấy. Điều trong một bộ tiểu thuyết mình thấy hoàn toàn không cần thiết. Hãy xây dựng làm sao để người đọc tự mình rút ra kết luận thì hay hơn.

-Pháp y Tần minh từ tập 2 cố gắng xây dựng thêm một vụ án xuyên suốt từ đầu đến cuối để lôi kéo độc giả. Nhưng thủ pháp vẫn còn cứng nhắc và vụng về, không tạo nét tự nhiên cho tổng thể tiểu thuyết.

Có thể như Tần Minh đã tâm sự trong sách rằng anh muốn tạo một phong cách nhất quan trong cấu trúc truyện và hướng tới phổ biến kiến thức cho độc giả. Nhưng nếu không tạo được độ cuốn hút thì làm sao thu hút được độc giả để phổ biến kiến thức, có chăng là cố đọc cho xong để tìm tư liệu. Nhưng vẫn phải nói một điều đọc quyển này quả thực nâng cao kiến thức về tội phạm và cách thức gây án.

Với mình, nếu Tần minh muốn đi theo văn nghiệp có lẽ cần phải trau dồi thêm kỹ thuật viết. Bởi vì bút lực Tần Minh vẫn chưa đủ mạnh để viết được một vụ án xuyên suốt mà vừa hồi hộp vừa gay cấn. Kiểu viết như ban đầu trong tập 1 không thể kéo dài lâu được. Có thể thấy càng các tập sau, độ văn học tăng lên không nhiều nhưng sự lôi cuốn của vụ án thì lại giảm đi khá lớn. Về sau khi các yếu tố về chuyên môn pháp y đã không còn mới lạ và thu hút như ban đầu thì độc giả sẽ ưa thích lối văn học gay cấn hồi hộp thường có trong thể loại điều tra phá án. Nhưng theo như mình đọc thì Tần Minh vẫn chưa khắc phục được.

4. Gợi ý

Nếu bạn nào muốn tìm một quyển sách điều tra phá án mang tính thực tế cao thì có thể lựa chọn pháp y Tần Minh.

Nếu bạn muốn có thêm kiến thức về pháp y, cũng như hiểu sâu hơn về nghề pháp y, một nghề vô cùng gian khổ, vất vả thì Pháp y Tần Minh là một lựa chọn không tồi.

Nếu bạn nào muốn tìm một quyển sách phá án đậm tính gay cấn, hồi hộp, giật gân thì có lẽ Pháp y Tần Minh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Nếu bạn muốn tìm một quyển sách văn học trinh thám điển hình thì theo mình đừng lựa chọn Pháp y Tần Minh. Bởi vì dù sau này có khá hơn nhưng bút lực văn học của Tần Minh vẫn còn khá yếu.

2 bình luận về “Series Trinh thám (3): Pháp y Tần Minh”

Bình luận về bài viết này